Thế giới đang bước vào thời kì đầu của kỷ nguyên kĩ thuật số với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, … Xu hướng chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
Vậy đâu sẽ là yếu tố quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số trong các Nhà trường, đơn vị hạt nhân của hệ thống giáo dục? Liệu đó có phải là công nghệ?
Hãy thử tưởng tượng rằng, nếu chúng ta chỉ có nền tảng công nghệ mà không có kho dữ liệu học tập được số hóa đảm bảo các yếu tố phân hóa, chương trình hóa, tương tác hóa thì làm thế nào giáo viên có thể tận dụng được các nền tảng công nghệ được trang bị để thực hiện các ý đồ sư phạm của mình?
Và nếu đội ngũ quản lý, giáo viên, những người trực tiếp tổ chức và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong Nhà trường không được trang bị các kĩ năng nghề nghiệp phù hợp để làm chủ và khai thác sức mạnh của công nghệ thì liệu những giờ dạy học ứng dụng công nghệ có thể thực hiện được thành công?
Như vậy có thể thấy, công nghệ chính là yếu tố khởi đầu, là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số trong các Nhà trường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra ba trụ cột để chuyển đổi số trong giáo dục thành công, đó là:
- Xây dựng hạ tầng số: tăng cường trang bị các thiết bị công nghệ và mạng internet, số hóa các quy trình quản lý cũng như các tiến trình sư phạm, tạo ra một hạ tầng công nghệ cũng như quản trị đầy đủ.
- Xây dựng nền tảng dữ liệu số: số hóa các tài nguyên học tập, bao gồm tài liệu học tập, ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề thi để tạo ra một nền tảng dữ liệu số đồ sộ, phong phú, đảm bảo các yêu cầu về nội dung: phân hóa, chương trình hóa, tương tác hóa, phục vụ được đa dạng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, phục vụ kiểm tra đánh giá diện rộng.
- Trang bị kỹ năng nghề nghiệp số: trang bị các kỹ năng cần thiết để các nhà quản lý, giáo viên, học sinh, thậm chí là cả phụ huynh có thể tiếp cận, thay đổi thói quen, tiến tới làm chủ công nghệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Hiện thực hóa ý tưởng trang bị kỹ năng nghề nghiệp số cho 100.000 giáo viên
Với mong muốn đồng hành cùng giáo dục Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số, hội nhập cùng kỷ nguyên công nghiệp số 4.0, Công ty Cổ phần Giáo dục toàn cầu Adaptive Learning (AEGlobal) cùng các đối tác phối hợp triển khai Chương trình tập huấn “TRANG BỊ KỸ NĂNG DẠY HỌC HIỆU QUẢ TRONG KỶ NGUYÊN SỐ” cho 100.000 cán bộ quản lý và giáo viên các trường phổ thông trong phạm vi cả nước, trong thời gian ba năm, từ năm 2022 đến năm 2025.
Mục tiêu của chương trình là trang bị và huấn luyện thực hành cho các nhà quản lý và giáo viên phổ thông các kỹ năng cơ bản để triển khai quản lý và dạy học hiệu quả, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số:
+ Kĩ năng phát triển năng lực tự học cho người học;
+ Kĩ năng phát triển năng lực số cho người học;
+ Kĩ năng tổ chức dạy học dựa trên trải nghiệm;
+ Kĩ năng tổ chức dạy học kết hợp (Blended Learning).
Từ đó giúp nâng cao chất lượng dạy học tại các nhà trường, góp phần đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên phổ thông. Trước mắt, chương trình tập huấn sẽ giúp các Nhà trường phổ thông thích ứng với tình hình hiện nay, đó là mở cửa trở lại các trường học mà vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh thông qua mô hình dạy kết hợp (Blended Learning).
Ban tổ chức kì vọng chương trình tập huấn diễn ra thành công sẽ tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở các Nhà trường mạnh mẽ và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia về giáo dục và đào tạo.
*Nhận thông tin chi tiết Chương trình tập huấn
Link nhận thông tin chi tiết Chương trình tập huấn.
ĐĂNG KÍ NHẬN THÔNG TIN CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN (office.com)